Body shaming là gì: Những lời khen – chê là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người để chúng ta có thể tiến bộ và vươn lên. Tuy nhiên không phải vì vậy mà có thể dùng những lời lẽ thô thiển để đánh giá người khác một cách tùy tiện.
Body shaming – một biến dạng xấu xí của đặc quyền được tự do đánh giá của mỗi người đang nổi lên và trở thành một trào lưu rất đáng bị lên án.
Cùng nhau tìm hiểu về body shaming là gì và những hậu quả của việc này mang lại cho người bị body shaming. Bên cạnh đó cùng tìm ra những cách giải quyết để bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi mang tên body shaming.
Body shaming là gì?
Body shaming dịch sang tiếng Việt là “miệt thị ngoại hình” là một hình thức chê bai, chế giễu ngoại hình người khác (hay cũng có thể là chính bản thân mình) bằng ngôn ngữ khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu và bị xúc phạm.
Body shaming xuất hiện đến 80% trên facebook, instagram hay twitter vì có lẽ khi không đối diện trực tiếp những lời miệt thị sẽ dễ dàng nói ra hơn.
Chúng ta vẫn thường thấy trên truyền hình, nhiều nghệ sĩ hài hay dùng lời lẽ chê bai ngoại hình người khác để tạo tiếng cười cho khán giả. Hay như với người thân của chúng ta nhiều lúc chúng ta cũng có những lời lẽ như vậy. Đó có phải body shaming?
Hãy nhìn vào kết quả và đánh giá nhé. Nếu như các nghệ sĩ hay chúng ta dùng lời chê bai để tạo tiếng cười cho mọi người, không gây khó chịu cho đối phương và mang lại những tác động tích cực thì đó không phải là body shaming mà chúng ta đang lên án nhé. Ngược lại nếu những ngôn từ đó mà làm cho người tiếp nhận chịu tổn thương và cả thấy bị sỉ nhục thì đó mới là sai trái.
Body shaming tổn thương tâm hồn bằng lời nói
Người miệt thị với lối suy nghĩ tiêu cực đã tự tạo cho mình căn bệnh rối loạn nhân cách và cụ thể là bị “ám ảnh về hình thức”. Nhân cách thối nát mà lại nghĩ mình hoàn hảo, tự cho mình cái quyền dè bỉu ngoại hình người khác.
Nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là những nhận xét để làm ai đó tốt hơn nhưng so với việc khuyên nhủ và giúp đỡ người khác thì body shaming lại làm ngược lại là làm tổn thương người khác. Suy nghĩ này chỉ càng thể hiện sự ích kỷ, thiển cận của những người thích body shaming.
Tất cả mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của body shaming nếu bạn có một phần nào đó trên cơ thể làm “nhức mắt” một nhóm người nào đó. Dần dần sẽ càng đông những người chỉ trích và bạn sẽ trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn mang tính chất soi mói.
Đa phần nạn nhân là những idol, những người hoạt động trong giới nghệ thuật vì họ có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng. Họ là những người phải gánh chịu những hậu quả vô cùng đau đớn do những người miệt thị gây ra.
Body shaming được thể hiện qua hai hình thức
Trực tiếp: là hành động đem những khiếm khuyết về ngoại hình của người khác ra để miệt thị, chê bai ngay trước mặt họ. Cũng có thể là người đó tự lấy chính bản thân mình ra để so sánh với người khác và tự có những đánh giá tiêu cực về ngoại hình của mình. Hành động này đôi khi còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc bị người khác chê bai vì nó xuất phát từ sự thiếu tự tin của chính mình mà đấy lại là đối thủ khó nhằn nhất mà mỗi người phải vượt qua.
Gián tiếp: dù không chê bai trực diện nhưng họ lại nói xấu sau lưng hoặc là dùng những lời lẽ xấu xa để miệt thị ai đó trên mạng xã hội. Một hành động không những rất độc ác mà còn thể hiện sự hèn hạ của những kẻ đó. Trước màn hình bản chất không ra gì ấy còn bộc lộ mạnh hơn, lời nói còn có thể cay nghiệt hơn nữa.
Vượt qua nỗi sợ hãi body shaming
Tôi nhớ gần đây nổi lên một sự việc: bà mẹ đơn thân Duyên Phạm đã phải bật khóc nức nở ngay trên livestream bán hàng của mình vì bị cả đám đông trên mạng chửi bới, mạt sát về ngoại hình được cho là xấu ma chê quỷ hờn của chị.
Bị một người chỉ trích thôi đã đủ đau lòng rồi, còn đây cả một đám đông hùa vào để mỉa mai, liên tiếp những dòng bình luận đến những người có đủ tỉnh táo đều không thể chấp nhận được chứ nói gì đến chị. Người ta bán hàng kiếm tiền nuôi con, người ta đâu livestream để đọc comment chửi bới của các bạn.
Sinh ra với ngoại hình không đẹp, với những khiếm khuyết đã là một thiệt thòi lớn rồi. Người ta cố gắng vươn lên để bù đắp vào phần thiệt thòi đó lại bị xã hội vùi dập thì có phải là quá độc ác không.
Chị này đã rất may mắn khi được đi phẫu thuật thẩm mỹ và trở lại với diện mạo xinh đẹp. Còn những người khác thì sao? Tiếp tục xấu xí, tiếp tục thu mình vào, tiếp tục chịu đựng bị miệt thị, khinh bỉ sao?
Jessica Laney đã kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 16 khi nhận phải những chỉ trích ác ý trên mạng: “lẳng lơ”, “mập ú”, ” cô có thể chết đi được không” hay “ chẳng ai quan tâm cô đâu”.
Nạn nhân của body shaming sau khi liên tiếp nhận những lời chê bai sẽ soi xét lại bản thân mình và so sánh với người khác. Họ hận mình, hận người, hận đời và dần dần những uất hận tích tụ lại thành sự thiếu tự tin, ngại giao tiếp, sợ thế giới bên ngoài đầy sự tàn nhân. Nguy hiểm hơn nó sẽ biến họ thành người bị trầm cảm, hành hạ bản thân bằng những đau đớn về thể xác. Đến lúc nào đó không thể chịu nổi nữa họ sẽ tự kết thúc cuộc đời mình như J để có thể tìm được sự bình yên vĩnh cửu.
Làm gì để vượt qua nỗi sợ hãi mang tên body shaming?
Dù nó nguy hiểm nhưng không phải không có cách để trị. Chỉ cần các bạn tự tin vào bản thân. Tiếp thu những nhận xét tiêu cực ấy bằng một cách tích cực hơn. Lấy đó làm động lực để mình thay đổi và tiến bộ thì sự khác biệt của bạn sẽ khiến đám đông ngoài kia dù có độc mồm độc miệng cũng không thể nói được gì. Dù biết là sẽ khó nhưng hãy cố gắng lên vì mình và những người yêu mình.
Lời nói sẽ không còn đơn giản chỉ là lời nói nếu nó đã làm tổn thương người khác. Hãy thận trọng với những gì mình làm và cùng nhau đá bay body shaming ra khỏi thế giới này. Hy vọng sau bài viết này bạn đã hiểu rõ về body shaming là gì và cẩn thận trong lời nói đôi khi là vô ý của mình.